Du khách ngoài biết đến Đà Lạt với cái tên là thành phố ngàn hoa, thì Đà Lạt còn là thành phố tình yêu với những câu chuyện tình tuy buồn nhưng chung thủy, sắt son.
Hồ Than Thở là điểm đến không thể thiếu trong hành trình đến với Đà Lạt. Ngay bên cạnh hồ Than Thở là một đồi thông ngút ngàn có tên gọi Đồi thông hai mộ - nơi đây được nhiều người biết đến bởi câu chuyện tình bi ai của một đôi trai gái trẻ.

Nằm ở phía Bắc thành phố Đà Lạt, cách trung tâm thành phố 6km về hướng Chi Lăng là du khách đã đến với khu du lịch hồ Than Thở.
Vốn là một hồ nước thiên nhiên, nhưng vào năm 1917 người Pháp đã đắp đập xây dựng hồ chứa nước, và đặt tên hồ là Lacdes Soupirs, tên gọi này có hai ý nghĩa, đó là tiếng rì rào, hay còn có nghĩa là than thở. Từ lâu nơi đây đã là nhân chứng cho những cuộc tình thuỷ chung đầy nước mắt, nên người ta đã gọi nơi đây là hồ Than Thở. Ngoài tên gọi hồ Than Thở, du khách còn được nghe người dân Đà Lạt gọi với tên Sương Mai, với ý nghĩa những hạt sương buổi sớm tinh mơ.
Đến tham quan hồ Than Thở, du khách sẽ được dạo bước trên những bãi cỏ xanh, ngắm nhìn hàng thông in bóng xuống mặt hồ. Hay du khách cũng có thể tham gia dịch vụ cưỡi ngựa vòng quanh hồ để tìm cảm hứng của dân du mục.
Sau một vòng dạo chơi tham quan, nếu mỏi chân du khách có thể ngồi nghỉ trong những nhà chòi nằm rải rác trên thảm cỏ xanh, và ngắm nhìn những giỏ phong lan của xứ đồi cao nguyên, cùng những câu chuyện lãng mạn mà đượm buồn về địa danh này.
Sự tích Đồi Thông Hai Mộ và những câu chuyện tình có thật


Ở Đồi thông hai mộ, một thắng cảnh nổi tiếng của Đà Lạt, bao năm nay luôn tồn tại nhiều sự tích ly kỳ về cái tên “Đồi thông hai mộ”, nhưng chỉ có một câu chuyện trong số đó là thật, ấy là câu chuyện tình bất hạnh của cô gái Lê Thị Thảo và chàng trai Vũ Minh Tâm, mà minh chứng cho câu chuyện tình đó chính là hai ngôi mộ nằm trên đồi thông 60 năm qua.

Một chuyện tình bi thương trên cao nguyên
Từ lâu lắm rồi, Đà Lạt luôn được gọi là xứ sở của tình yêu, là nơi hò hẹn lãng mạn cho những đôi tình nhân. Những thung lũng tình yêu, thác Cam Ly, hồ Than Thở… là những địa danh mà dù chưa từng đặt chân lên Đà Lạt, hẳn ai cũng nghe tên ít nhất một lần.
Ngay bên cạnh hồ Than Thở của Đà Lạt là một đồi thông ngút ngàn có tên gọi Đồi thông hai mộ. Trong festival Đà Lạt, Đồi thông hai mộ cũng là một địa danh mà nhiều du khách ghé qua.
Đồi thông hai mộ trở nên nổi tiếng vì rừng thông bạt ngàn và vì câu chuyện tình bi ai, cảm động của một đôi trai gái mà câu chuyện tình của họ đã trở thành sự tích của cái tên Đồi thông hai mộ.
Chuyện kể cách đây gần 60 năm về trước, có chàng trai Vũ Minh Tâm lên Đà Lạt học tập. Chàng trai  này là con trai độc nhất của một trong những điền chủ giàu có nhất ở đất xứ Gò Công, Tiền Giang. Gia đình chàng có cả nghìn mẫu ruộng khắp các tỉnh miền Tây, có cả biệt thự ở Sài Gòn, ở Đà Lạt.
Hai ngôi mộ của Vũ Minh Tâm và người yêu Lê Th
Ngôi mộ của Vũ Minh Tâm và người yêu Lê Thị Thảo
Nhưng là con trai độc nhất cũng khiến chàng mang nhiều gánh gặng. Khi vừa tròn 18 tuổi, Vũ Minh Tâm đã bị ba má yêu cầu lấy vợ để có con thờ tự. Ba má ngắm cho chàng một cô gái là con gái một điền chủ vùng bên, gia đình môn đăng hộ đối.
Nhưng vì chưa muốn ràng buộc hôn nhân khi còn quá trẻ, lại không có nhiều cảm tình với người được ba má hỏi cho, Vũ Minh Tâm đã lén trốn ba má lên Đà Lạt học để tránh né cuộc hôn nhân sắp đặt.
Xứ Đà Lạt thơ mộng đã chứng kiến câu chuyện tình yêu trắc trở của chàng công tử nhà giàu Vũ Minh Tâm với cô sinh viên Lê Thị Thảo. Lê Thị Thảo là sinh viên Văn khoa ở Đà Lạt. Trong một lần đi dạo bên bờ hồ Sương Mai (nay là hồ Than Thở), duyên trời đã khiến cả hai gặp nhau.

Xúc động trước nhan sắc mong manh và tính tình dịu dàng của nữ sinh viên Văn khoa, chàng công tử xứ Gò Công đã đem lòng nhớ nhung bóng hình đó. Kể từ ngày ấy, cả hai thường hẹn nhau cùng đi dạo quanh hồ Sương Mai, và cũng chính hồ Sương Mai này là nơi chứng kiến lời thề hẹn trăm năm của đôi trai tài gái sắc.
Quãng thời gian là sinh viên tuổi mười tám, đôi mươi, cả hai là đôi tình nhân đẹp trong mắt các sinh viên cùng khóa. Nhưng rồi thời sinh viên cũng hết. Lê Thị Thảo tốt nghiệp, trở thành cô giáo dạy văn ở thành phố Đà Lạt, còn Vũ Minh Tâm cũng về quê, chăm sóc ba mẹ già, làm tròn nhiệm vụ của đứa con độc nhất.
Ngày chia tay, Vũ Minh Tâm có hứa với người yêu, sẽ xin ba mẹ sắm trầu cau lên hỏi cưới Thảo. Nhưng lời hứa đó không thành. Ba má Vũ Minh Tâm chê Thảo chỉ là con gái một gia đình công chức nghèo, không môn đăng hộ đối nên nhất nhất ép con trai cưới cô gái mà họ đã chọn năm nào, dù cho Vũ Minh Tâm hết lòng cầu xin.
Không thể cãi lời ba má, nhưng cũng không thể phụ tình người yêu ở Đà Lạt, Vũ Minh Tâm đã làm đơn xin đi lính. Trước khi đi, chàng công tử xứ Gò Công có gửi cho người yêu một bức thư, dặn dò cô đợi chờ mà cố tình giấu chuyện gia đình ngăn cản.
Tin tưởng vào lời ước hẹn tình yêu, năm này qua năm khác, cô giáo dạy văn Lê Thị Thảo chung thủy chờ đợi mối tình đầu, dẫu cho bao chàng trai theo đuổi cũng mặc. Những lúc nhớ người yêu ở chiến trường, Thảo thường đi dạo quanh bờ hồ Sương Mai, đi dạo quanh đồi thông ven hồ, nơi cô và người yêu có biết bao là kỷ niệm.
Nỗi bất hạnh của đôi tình nhân phía sau sự tích về cái tên ‘Đồi thông hai mộ”  
Nhưng tình yêu của Lê Thị Thảo và Vũ Minh Tâm đã gặp vô vàn những sóng gió. Biết con trai còn nặng tình với cô gái nghèo xứ Đà Lạt, ba má chàng trai đã cho người lên Đà Lạt, nói rõ việc gia đình họ không chấp nhận một cô con dâu không tương xứng.
Vài tháng sau, sợ điều đó không chia rẽ được tình cảm của đôi trai gái, gia đình Tâm đã gửi tin báo Tâm đã tử trận ở chiến trường. Chưa hết đau khổ vì không được gia đình người yêu chấp nhận, lại nghe tin người yêu đã tử trận, ngày ngày, cô giáo Lê Thị Thảo thường lên đồi thông ngồi khóc.
Nghĩ rằng sống không có được nhau, thì chết sẽ nhất định thuộc về nhau, Thảo đã quyên sinh trên đồi thông để trọn vẹn mối tình với chàng công tử Gò Công. Cái chết của cô giáo dạy văn hiền lành đã khiến người dân Đà Lạt vô cùng thương xót. Gia đình biết câu chuyện tình ngang trái của Thảo, đã chôn Thảo trên đồi thông ven hồ.
Nửa năm sau, Tâm trở về tìm Thảo. Hóa ra cái tin Tâm tử trận chỉ là tin giả. Sau khi hết nghĩa vụ quân sự, chàng về Đà Lạt tìm người yêu sau bao tháng bặt tin thì nghe tin sét đánh. Gia đình Thảo đưa Tâm lên ngôi mộ của Thảo trên đồi thông.
Chàng trai chung tình đã khóc hết nước mắt bên nấm mồ người yêu nay đã xanh cỏ. Sau mấy ngày khóc vật vã quên ngủ, quên ăn, vừa nhớ thương người yêu, và trách giận gia đình, Tâm đã không quay về Gò Công mà trở lại chiến trường lửa đạn.
Một thời gian sau, Tâm ngã xuống giữa chiến trường. Trong những kỷ vật của Tâm còn lại, có những dòng nhật ký về Thảo, về câu chuyện tình bi thương của chàng trai chung tình.
Tâm có viết một dòng trong nhật ký, như lời di chúc, dặn nếu tử trận, Tâm mong được đưa về chôn cất bên cạnh mộ người yêu, trên đồi thông.
Thương xót mối tình của đôi trai gái bất hạnh, người ta đưa Tâm về, cất một ngôi mộ cho Tâm ngay bên cạnh mộ Thảo. Gia đình Thảo vẫn qua lại hương khói cho cả hai ngôi mộ. Người dân quanh vùng biết chuyện, cũng thường đến thắp hương ở đây.
Kể từ đó, đồi thông mang tên gọi mới “Đồi thông hai mộ”. Nhiều cặp tình nhân tin rằng, nếu gặp trắc trở trong tình duyên, chỉ cần đến thắp hương lên hai ngôi mộ này, người đã khuất sẽ phù hộ cho họ vượt qua trắc trở. Nhưng bất hạnh thay, Thảo và Tâm sau khi chết vẫn bị chia rẽ.
Nhiều năm sau khi Tâm đã mồ yên mả đẹp bên cạnh người yêu, không hiểu vì lý do gì, gia đình Tâm đã lên Đà Lạt, đưa mộ chàng về Gò Công, Tiền Giang, quyết chia lìa đôi trai gái bất hạnh, bất kể nguyện vọng của chàng trai lúc còn sống.
Thảo và Tâm lại một lần nữa chia ly. Sau này khi ngôi mộ của cô giáo Thảo đã đổ nát, gia đình cũng ly tán, có người xót thương cho đôi tình nhân trẻ đã xây lại ngôi mộ của Thảo và không quên xây ngôi mộ của Tâm ngay bên cạnh.
Khách đến Đà Lạt giờ ghé qua Đồi thông hai mộ sẽ vẫn thấy ngôi mộ của Lê Thị Thảo và Vũ Minh Tâm đứng cạnh nhau bên Đồi thông hai mộ. Tuy nhiên chỉ có ngôi mộ của cô gái là thật, còn ngôi mộ của chàng trai chỉ là sự hoài niệm, thương tiếc của người đời cho một mối tình đẹp không thành.
Trong một lần lên Đà Lạt, ghé qua Đồi thông hai mộ, đã được nghe kể về câu chuyện tình của đôi nam nữ, tức cảnh, sinh tình, giữa Đà Lạt, nhạc sĩ Hồng Vân đã sáng tác bài hát “Đồi thông hai mộ” để bày tỏ sự thương tiếc với đôi tình nhân trẻ.
Bài hát đó sau này rất nổi tiếng và được rất nhiều ca sĩ thể hiện thành công: “….Rồi mộ chàng đã được ở cạnh nàng như lời xưa thề ước. Nằm hiu hắt đến ngàn thu an giấc dưới mộ sâu đất khô. Qua bao năm, rêu xanh phủ che kín âm u chẳng nhang khói. Trời xui chi trên cây còn lá úa, lá xanh kia rụng rồi…”.

Tour Khuyến Mãi

 
Top