Có những điểm đến du lịch mà dù bạn đi mãi vẫn không thấy chán. Nhưng cũng có những điểm đến chỉ tới một lần rồi mãi mãi không muốn đến nữa. Với nhiều người, Langbiang (Đà Lạt) thuộc thể loại đó.
Tới chân núi Langbiang, leo lên xe jeep, phóng lên đỉnh nhìn ngắm đất trời tầm 10 phút, rồi sau đó đi xuống, kết thúc buổi tham quan. Tuy nhiên, thực ra bạn đang hiểu lầm Langbiang, nó không hề đơn giản và đơn điệu như thế.
Núi Lang Biang còn được gọi là Núi Mẹ, gồm 2 ngọn, có độ cao 2.167m. Chuyện xưa kể rằng có một đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết - chàng K'lang và nàng Hơ Bian. Do lời nguyền thù hằn của hai bộ tộc mà hai người đã phải chia lìa. Nàng sau khi chết đã hóa thân thành dãy núi mà người dân tộc Hơ Ho-lạch gọi là Núi Mẹ và sữa từ bộ ngực của nàng đã tuôn tràn thành những dòng suối, dòng thác tươi mát cho đời. Từ đó hai ngọn núi được đặt tên là Lang Bian.
Tỉnh Lâm Ðồng có địa hình không bằng phẳng với 3 cao nguyên: Lang Bian-Ðà Lạt, Ðran-Liên Khương, Blao-Di Linh và một bình nguyên Ðạ Huai-Cát Tiên. Cao nguyên Lang Bian vào đầu thế kỷ 19 vẫn còn là một vùng đất thưa dân, hiểm trở. Người bản địa tập trung trong một số làng, đông nhất là Dankia. Qua một thế kỷ, diện mạo của cao nguyên Lang Bian thay đổi nhiều, trừ một vài nơi như vùng đồi Cù chống hạn. Từ trung tâm thành phố Ðà Lạt, sau 15 phút đi bằng xe máy hoặc xe ôtô, du khách đã có thể đến chân núi Lang Bian huyền thoại nơi có những bản của đồng bào dân tộc Tây Nguyên như: dân tộc Lát, Chil (Cơ Ho)...Ngày nay người Lạch đến định cư ở đây nên buôn làng gắn bó với ngọn núi này. Từ tháng 11/1999, khu vực này đã được giao cho Công ty du lịch tỉnh Lâm Ðồng, với tên gọi là khu du lịch Lang Bian. Ðịa hình của Lang Bian rất thích hợp cho kiểu du lịch dã ngoại để tìm một chút hơi lạnh của miền sơn cước. Tại chân núi có nhiều khu đón khách. Ngoài những cơ sở nghỉ ngơi cao cấp, còn có khu cắm trại và nhiều dịch vụ cần thiết cho du khách. Họ dừng lại đây để nghỉ dưỡng tham quan thắng cảnh. Một số cắm trại qua đêm, quây quần bên ánh lửa với ché rượu cần, nghe những khúc hát cùng những âm thanh của nhạc cụ cổ truyền người Lạch. Họ ăn uống, ca hát, nhảy múa suốt đêm. Ban ngày xem các cô gái Lạch ngồi dệt thổ cẩm, du khách có thể mua những đặc sản của họ như chiếc gùi, những vóc thổ cẩm nhiều màu sắc.
Một số đoàn gồm những thanh niên trẻ, khỏe, thích những trò chơi mới lạ, leo núi, chinh phục đỉnh Lang Bian, dù lượn... Ðối với họ, chuyến đi còn là một thử thách của những người tham gia để vượt qua chính mình. Có ba cách lên tới đỉnh-nơi đặt logoDu lịch Ðà Lạt: đi xe Uoát, đi bộ hoặc leo bằng dây. Ngoài ra còn có một đường xuyên rừng khoảng 2km cũng lên tới đỉnh. Vài năm gần đây, trên đỉnh Lang Bian có loại hình dù lượn, xuống núi bằng dây. Cảm giác thú vị nhất của du khách là được ngự trị trên đỉnh đồi Rađa cao hơn 2.000m, thả hồn theo những đám mây đang bồng bềnh trôi. Ðứng ở đây có thể ngắm trọn vẹnthành phố Ðà Lạt mộng mơ, hiện ra như một bức tranh thủy mặc, phía tây là hồ Dankia-Suối Vàng trông như một tấm lụa đào khổng lồ nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của núi đồi.
CÁC DỊCH VỤ GIẢI TRÍ TRÊN NÚI LANGBIANG
Do nằm ở độ cao được xem là một trong những đỉnh núi cao nhất Đà Lạt, núi Langbiang được xem là khu du lịch đặc thù với loại hình du lịch dã ngoại, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu nét văn hoá của người dân nơi đây. Lang Biang còn là điểm thu hút du khách có thú phiêu lưu mạo hiểm với chương trình leo núi, chinh phục đỉnh cao. Từ dưới chân núi, Langbiang có đầy đủ các dịch vụ du lịch: như nhà hàng, quán ăn, hang lưu niệm. Đặc biệt, tại đây có dịch vụ xe Jeep đưa khách lên đỉnh khá thú vị. Ngay dưới chân núi, có một thung lũng khá lớn, nơi tổ chức thành công lễ hội 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Do đó, nó được gọi là Thung lũng trăm năm, được thiết kế như một khu du lịch sinh thái, giải trí.
Tại đây, du khách có thể thưởng thức chương trình giao lưu, đốt lửa trại, uống rượu cần với đồng bào dân tộc, nghe họ kể những câu chuyện và văn hoá của dân tộc. Lang Biang còn là điểm thu hút du khách có thú phiêu lưu mạo hiểm với chương trình leo núi, chinh phục đỉnh cao. Nếu du khách không thích đi bằng xe Jeep lên đỉnh núi, du khách có thể chinh phục đỉnh núi bằng cách đi bộ theo con đường nhựa xuyên qua những cánh rừng thông và những nhà dân tộc.
Tại đỉnh núi Langbiang, có các dịch vụ như nhà hàng, quán cà phê và các dịch vụ khác như: ống nhòm nhìn thành phố Đà Lạt từ trên cao, cưỡi ngựa chụp hình. Đặc biệt, trên đỉnh núi còn có vườn hoa, tượng chàng K’lang và nàng Hơbiang, khu bán hàng lưu niệm,..v..v…
Từ trên đỉnh núi, du khách có thể nhìn thấy Suối Vàng và Suối Bạc và toàn cảnh Đà Lạt trên cao với những màn sương mù bay phất phơ trước mặt làm bạn cứ ngỡ như là đang ở trên mây.
Langbiang mà không phải Langbiang
Trước giờ, không chỉ chúng tôi, mà có rất nhiều du khách, cứ ngỡ mình đã chinh phục được nóc nhà Đà Lạt, khi được xe jeep mang lên đỉnh núi. Nhưng, sự thật không phải thế. Langbiang đúng là núi cao nhất Đà Lạt, nhưng nó là một dãy gồm nhiều núi chứ không phải một ngọn núi độc nhất, riêng lẽ.
Xe jeep chỉ đưa ta lên đỉnh của đồi Radar, không phải núi cao nhất dãy: cao 1929m so với mặt nước biển. Hai ngọn núi cao nhất dãy Langbiang là núi Ông: cao 2124m và núi Bà: cao 2167m. Sở dĩ, ngọn đồi này có tên Radar là do trước đây Mỹ đã xây một trạm radar cùng sân bay trực thăng trên đỉnh đồi.
Có rất nhiều cách để chinh phục các đỉnh núi trong dãy Langbiang
Cho tới điểm này, ít nhất cũng có 3 cách để chinh phục các đỉnh núi khác nhau trong dãy Langbiang: đi xe jeep, đi bộ dọc theo đường nhựa và trekking băng qua rừng.
Đi xe jeep: Đây là cách mà nhiều người chọn nhất khi muốn chinh phục đỉnh Radar. Nhanh gọn lẹ, chỉ hơi tốn tiền một chút. Mỗi xe có 6 chỗ ngồi cho khách, mỗi lượt lên về mất 240 ngàn, tức là mỗi người sẽ phải trả 60 ngàn cho 1 lượt lên xuống núi. Từ 15/5/2014, vé đã tăng lên 50 ngàn/người. Đi cách này chẳng có gì thử thách, chỉ khi gặp phải tay lái lụa thì hơi thót tim chút xíu.
Đường lên đỉnh Radar khá là ngoằn nghèo và dốc, thế nhưng vài lái xe ở khu du lịch này lái cứ như thể đang ở đồng bằng, lên hay xuống dốc đều không giảm ga, giống đang đua với nhau xem ai đi nhanh nhất. Dù biết là họ đã quá quen thuộc con đường này, mỗi ngày lên xuống vài chục lần, nhưng chúng tôi vẫn thấy ơn ớn, tự nhủ phải bám thật chặt vào thành xe nếu không muốn bắn xuống vực. Thời gian để lên đến đỉnh đồi tầm 15 phút.
Đi bộ dọc theo đường nhựa: Nếu quyết chọn cách này, bạn chỉ tốn 10 ngàn đồng vé vào cổng khu du lịch mà thôi. Sau đó, cứ bám theo đường nhựa có xe jeep chạy vèo vèo để đi lên đỉnh Radar. Nếu đi nhanh, mỗi lượt lên hoặc xuống 6km bạn chỉ tốn khoảng gần 2 tiếng. Tuy nhiên, vì kiểu không dễ cũng chẳng khó này, rất ít du khách lựa chọn.
Trekking: Cũng là đi bộ để lên các đỉnh núi, nhưng đi theo đường mòn chứ không phải đường nhựa. Thời gian gần đây, loại hình này thu hút rất nhiều khách du lịch. Trong quá trình đi bộ bạn sẽ xuyên qua những tán rừng già, nhiều cây đại thụ, suối nhỏ róc rách, hoa dại khoe sắc khắp nơi… khi đi vào vườn quốc gia Biboup, lúc chinh phục núi Bà.
Những đường mòn lên núi Bà, núi Ông hoặc đỉnh Radar không khó đi lắm, phù hợp cho cả dân trekking nghiệp dư, mặc dù có những đoạn cực dốc, phải vịn vào dây để leo lên. Thời gian: mất tròm trèm từ 3 đến 4 tiếng.
Thung lũng trăm năm
Langbiang đúng là một dãy núi, nhưng Langbiang không chỉ có núi mà còn có những hoạt động giao lưu văn hóa sôi nổi khác. Cách khu tập kết không xa dưới chân núi là Thung lũng trăm năm. Đầu tiên, nó thiết kế để Đà Lạt tổ chức lễ hội 100 năm hình thành và phát triển, sau này nó được dùng làm khu du lịch sinh thái giải trí.
Tại đây, du khách có thể thưởng thức các chương trình giao lưu, đốt lửa trại, uống rượu cần với người dân tộc Lạch và Chil. Bạn sẽ được thưởng thức bữa tiệc âm nhạc từ cồng chiêng, ăn thức ăn do những người dân chất phác của Langbiang tự tay chuẩn bị.
Leo núi bằng dây và dù lượn khi du lịch Đà Lạt
Dạo gần đây, Langbiang cũng phát triển thêm hai loại hình dịch vụ nữa là leo núi bằng dây và dù lượn. Chúng đều rất hút khách.
Leo núi bằng dây: Tour này được thực hiện như thế này. Xe sẽ chở bạn đến đỉnh của ngọn Radar, sau khi ngắm mây trời đồng bằng chán chê bạn sẽ đi bộ khoảng 30 phút tới điểm tập kết ở núi Yên Ngựa (cao 1950m). Bạn sẽ được huấn luyện cách leo lên vách đá như thế nào. Sau khi thuần thục, bạn sẽ chinh phục vách đá cao trên 30 m. Giá dịch vụ: 600 ngàn.
Dù lượn: Dịch vụ này mới xuất hiện đầu năm 2014, thêm một phương án nữa cho bạn lựa chọn khi muốn xuống lại mặt đất, ngoài dùng chân và xe jeep. Nếu bạn là dân chuyên nghiệp, bạn có thể không cần huấn luyện và được phép bay một mình. Ngược lại, sau khi được các phi công chỉ dẫn sơ, bạn sẽ bay đôi với họ. Nhắm mắt, thả chân vào khoảng không, bạn sẽ được dù lượn đưa từ đỉnh đồi Radar hướng xuống hồ Dankia. Mỗi lần bay tầm 15 đến 20 phút. Giá dịch vụ: 600 ngàn đồng/lượt/người.
Tổng hợp nhiều nguồn