TẾT CHOL CHNĂM THMÂY
Những người Khmer đều mừng năm mới băng tết Chol Chnăm Thmây chung một ngày với Vương quốc Campuchia, tức vào những ngày từ 12 đến 15 tháng 4 DL hàng năm.
Người Khmer chịu ảnh hưởng nhiều từ nền văn hóa Ấn Độ, nên đa số theo Phật Giáo tiểu thừa, vì thế họ ăn tết khác với những nước trong vùng Đông Nam Á và thế giới. Người Khmer tính ngày đầu năm mới bằng hai cách :
- Chol tính theo sự vận chuyển của mặt trăng như âm lịch của chúng ta. Còn Chnăm tính theo sự vận chuyển của mặt trời như dương lịch.
Theo 2 cách tính ấy, ngày Chol Chnăm Thmây được tính vào đầu trung tuần tháng Chett tức tháng 5 Khmer, tương ứng với tháng 4 DL là tháng đang nắng gắt, thời tiết oi bức sắp có mưa, nhưng cây cỏ sẽ xanh tươi, mùa lúa sẽ tươi tốt sẽ đến, vì Thmây là mới. Nên Chol Chnăm Thmây có nghĩa vào năm mới, chấm dứt mùa nắng đi vào mùa mưa.
Người dân Campuchia và người Khmer Nam Bộ chuẩn bị ngày Tết cổ truyền của họ thật trang trọng, nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ, quần áo may mới cho mọi người trong gia đình như Tết Nguyên Đán nước ta.
Trong đêm giao thừa, mọi người thắp nhang đèn đưa tiễn thần Téveda cũ để rước thần Téveda Thmây (ông tiên mới) vào nhà. Sáng ngày đón năm mới, họ đi tắm gội mặc những bộ quần áo ưng ý nhất rồi đội mâm lễ đến chùa cúng Phật. Khi vào chính điện, họ đi 3 vòng quanh điện sau đó mới dâng lễ lên cho các sư sãi (còn gọi là Lục Cà Sa) nhận.
Qua ngày thứ nhì, mọi người làm lễ dâng cơm của gia đình mình vào bình bát cho các sãi dùng. Sãi trưởng đứng ra chúc phúc cho tập thể và cầu nguyện cho các vong linh người chết sớm được siêu thăng về miền lạc cảnh.
Buổi chiều cũng tại các chùa tổ chức lễ “Gọi hồn cát”, sau khi Phật tử đã đắp nhiều núi cát ngay trước sân, lễ này không thể thiếu trong ngày tết Chol Chnăm Thmây, vì những núi cát tượng trưng cho núi Mênu (bên Ấn Độ) nơi theo tín ngưỡng của họ, cho rằng núi Mênu là cái rún của Đất của Phật giáo, nơi các thần linh ngự trị. Núi cát được đắp thành nhiều tầng, nhưng luôn là số lẻ 1, 3, 5 tầng tượng trưng cho phần Âm.
Ngày thứ ba làm lễ tắm Phật và tắm các sãi già yếu, rồi đọc kinh cầu siêu cho người thân đã chết, tại ngôi tháp trong chùa có chứa hài cốt.
Sau ba ngày làm các nghi thức tín ngưỡng, mọi người mới bắt đầu về nhà mừng tuổi người thân, từ người lớn tuổi đến các anh chị em trong gia đình.
Ngoài ra các chùa còn tổ chức đua thuyền trên sông Hậu (thường ở tỉnh Sóc Trăng). Trên thuyền đua đều có một sãi trưởng đứng chỉ huy, có khi cuộc đua kéo dài từ 1 đến 2 ngày tùy theo số lượng thuyền đến dự đua, cuối cuộc đua mọi người giăng ngang sông một sợi dây da trâu, một vị sãi trưởng đến chặt đứt sợi dây, việc này mang ý nghĩa là ra lệnh cho nước rút ra biển, cho dân cày cấy làm ra hạt thóc hạt gạo, cho dân chài lưới đánh bắt được nhiều tôm nhiều cá.
LỄ CƯỚI CỦA NGƯỜI KHMER
Lễ cưới cổ truyền của người Khmer Nam Bộ gồm những trò diễn xướng và các bài ca theo các phong tục tập quán quy định. Có thể coi đây là buổi biểu diễn liên hoàn, kể về một tích truyện mới cũ nào đó (tuy nhiên hiện giờ ít thấy tổ chức).
Về trang phục, cô dâu và chú rể mua sắm rất nhiều quần áo để thay đổi trong các vai diễn như sà rông, khăn, vòng vàng, vòng bạc v.v… Đạo cụ gồm kéo cắt tóc, nhang giả, gươm, chỉa ba… Ngoài ra có một ban nhạc đệm nắm vững các thứ lớp trong các tuồng tích được diễn trong ngày lễ cưới.
Buổi sáng chú rể sang nhà cô dâu, người ta tổ chức đám rước với bài Bai Khon; chàng rể đóng vai vua, còn cô dâu đóng vai hoàng hậu. Đại ý bài hát Bai Khon như sau :
- Chàng sắp đến hãy trải chiếu ra, sắp gối nằm, đặt gối dựa. Hãy tiếp đón vua và ngài không bao giờ đi một mình, có người đánh cồng, chơi nhạc rước vua đi. Vua không bao giờ đi đất, mà có xe, có ngựa, có voi dẫn đường…”.
Đến nhà gái, ông bà mai mối của nhà trai dừng lại ca múa và làm điệu bộ xin mở cổng. Nhà gái xách cồng ra đánh một hồi dài đoạn đưa chú rể vào nghỉ tạm ngoài hiên.
Sau một số nghi thức tượng trưng như việc đào giếng, đào ao, mở rộng vách nhà, dựng cột, kèo, là trò quét chiếu, trải chiếu, một chiếc trải ngửa một chiếc trải úp, tượng trưng cho âm dương hòa hợp như trai với gái trong đêm tân hôn.
Xong những nghi lễ này, nhà gái mới đem trầu cau ra mời mọi người. Đại diện nhà trai sẽ múa hát “Quét chiếu”, vừa hát vừa giũ vàng bạc bọc trong khăn đỏ ra với mong muốn đôi vợ chồng sau này sẽ ăn nên làm ra, sinh nhiều con cái.
Cuộc hát chấm dứt bằng một bữa tiệc, sau đó những người trong ban nhạc diễn trò “hớt tóc”. Trò này có hai nhân vật, một người đàn ông và một người đàn bà. Họ giở cái khăn phủ cái đĩa ra và hát ca đối đáp. Sau nhiều câu hỏi đáp, lúc đó họ mới cắt hai nhúm tóc tượng trưng của cô dâu và chú rể và trộn lẫn vào nhau. Ban nhạc lúc này sẽ tấu bài “cuộc rước lớn” trước khi mở đầu lễ “cắt hoa cau”.
Khi lễ cắt hoa cau bắt đầu, mọi người vây quanh cô dâu chú rể tiến hành lễ chỉ buộc tay, bằng những sợi chỉ có tẩm dầu thơm, với ý mong muốn đôi vợ chồng trẻ sống hòa hợp trọn đời, vừa tung hoa cau vừa hát. Như hình thức se dây tơ hồng của ông Tơ bà Nguyệt. Sau lễ cột chỉ tay đến phần ca hát.
Ba giờ sáng hôm sau, mọi người trong tiệc cưới diễn trò “đào cây Khơ Nhe”, diễn tả đôi vợ chồng đi tìm thuốc Khơ Nhe qua 12 bài ca, nói về cuộc hành trình gian khổ khi đi nhặt từng trứng cá sấu để ăn, bắt từng tổ kiến vàng làm nước chấm, hai người bị ong đốt, gặp dấu chân cọp lớn nhưng nhờ thần núi giúp nên hai vợ chồng đã tìm được thuốc Khơ Nhe.
Hai vợ chồng lại đem đổi thuốc Khơ Nhe cho bà Nhe lấy hòn ngọc”keo rô lốc” có khả năng làm cho sóng gió tiêu tan. Khi bà Nhe bằng lòng đổi thì trời rạng sáng. Người ta đưa cô dâu ra lạy mặt trời để đón lấy sức mạnh của vầng thái dương.
Lúc này mọi người đồng hát một bài nhạc vui để chấm dứt lễ cưới cho cặp trai gái.
NHỮNG TẬP QUÁN KHÁC
- LỄ ĐI TU (Bõn Bâm Buos) : theo giáo lý Phật giáo phái Tiểu Thừa của người Khmer, khi người con trai bắt đầu từ lúc 12 tuổi phải đi vào chùa tu, coi như một nghĩa vụ trong đời sống xã hội. Trong mấy năm tu ở chùa, được học tập và được rèn luyện toàn diện để sau này họ có sự chọn lựa, hoàn tục hay đi tu trọn đời. Người Khmer coi đi tu là cách trả phước đền ơn cho cha mẹ.
Vì thế hằng năm “lễ đi tu” được tổ chức đúng vào đúng dịp tết Chol Chnăm Thmây. Nhà có người đi tu sẽ làm lễ để chàng trai từ giã họ hàng, bạn bè và cạo đầu, rồi thay quần bằng chiếc “xà rông”, thay áo bằng khăn vải trắng đắp lên vai từ trái sang phải chứng tỏ từ bỏ thế tục, từ đó chàng trai được gọi là Néak.
Buổi tối sư sãi đến tụng kinh, cúng Tam Bảo, đặt pháp danh và cho thọ giới theo đạo. Sáng hôm sau làm lễ nhuộm răng, khi cơm nước xong gia đình đưa người con lên chùa, có bạn bè mang theo lễ vật. Đến chùa, cả gia đình đi vòng quanh chính điện ba lần, rồi mới đi vào làm lễ đi tu cho chàng trai trẻ với sự chứng kiến của sãi trưởng.
Nếu nguyện tu đến bậc Sa di từ 12 đến 20 tuổi, chỉ cần một sãi ngồi chứng minh là được. Nhưng đi tu bậc Tỳ Kheo từ 21 tuổi trở lên, phải có đến 20 tỳ kheo khác đến chứng giám, trong đó có một Sãi già như ở nước ta thường gọi bằng Hòa Thượng, thông tuệ ngồi chứng minh, cùng hai ông sãi coi Phật vụ ngồi giảng, hỏi và đọc các qui định tu hành cho các sư mới nhập đạo nghe.
Tiếp đến người đi tu cầm áo cà sa đi vào giữa hàng sư sãi đọc lời xin cho đi tu. Khi vị sãi già chấp thuận, người đi tu mới thay “xà rông” và khăn trắng bằng bộ áo cà sa, chính thức làm lễ thọ giới và hứa tuân giữ 10 điều răn của Đức Phật Tổ.
Cuối cùng sư sãi, phật tử tụng kinh cầu phước cho người đi tu và chúng sinh để chấm dứt cuộc lễ.
- LỄ CẮT TÓC TRẢ ƠN MỤ : lễ này được tổ chức sau 7 ngày khi đứa bé được sinh ra. Đây là lễ cắt tóc, cạo đầu và đặt tên cho đứa bé nhằm cầu phúc cho nó mau ăn chóng lớn, sống khoẻ, sống lâu. Lễ cúng trả ơn mụ gồm chè đường, một thúng lúa, một quả dừa, một nải chuối, rượu, gà, vài nút vải và hai mâm cơm, kéo dài nửa buổi hay một ngày.
- LỄ DÂNG BÔNG : khi xây dựng cầu đường, chùa chiền… nhằm quyên góp tiền để làm công trình. Buổi tối nhờ sư sãi đọc kinh cầu nguyện, hôm sau mọi người vào dâng cây bông có tiền cột vào để cúng. Người dâng bông sẽ được các sư sãi tụng kinh cầu phước cho cá nhân hay gia đình.
- LỄ GIÁP TUỔI : nhằm cúng thần thánh xua đuổi tà ma cho những đứa con trai vừa tròn một giáp (12 tuổi). Sau khi tụng kinh, người ta đốt cháy sáp trong một đồ đựng bằng kim loại, cho nhang vào, úp chén cho lửa tắt rồi mở ra, cho nước vào khuấy đều, pha thêm dung dịch có mùi thơm mà vẩy lên người đứa con để trừ tà, như vậy là muốn cho đứa con lớn lên sẽ khỏe mạnh, cường tráng (thường lễ này làm chung với lễ đi tu).
- LỄ LÊN NHÀ MỚI : sau khi làm nhà xong với mục đích cầu cho gia đình sống mạnh khỏe, hạnh phúc trong căn nhà mới xây dựng. Chủ nhà đi mời hai người già có tuổi, sống hạnh phúc thành đạt đóng vai làm “chủ nhà”, còn chủ nhà đóng vai “khách” đi đường cùng vợ con đến xin ăn ở nhờ. Sau đó”chủ nhà giả” nhường nhà lại cho “khách” ở.
“Chủ nhà giả” nói nhờ “khách” ở lại trông dùm nhà, rồi cột tay các vị “khách” như công nhận họ là người giữ nhà và cầu cho họ sống lâu, hạnh phúc, thành đạt trong ngôi nhà mới này. Buổi lễ kết thúc. Sau lễ đọc kinh cầu an.
- LỄ TỐNG PHONG : thường thấy tổ chức ở vùng biển có nhiều gió, nhằm đuổi gió độc, ôn dịch, ốm đau v.v… Người ta làm một chiếc bè nhỏ ghép bằng thân cây chuối, trên đặt những hình nộm cầm chèo, còn lễ vật là đầu heo, xôi chè, bánh trái trên có dán những lá bùa của thầy cúng. Sau đó, bè được thả trôi xuôi dòng nước để xua tan ôn dịch, dân cư sẽ bình yên.
Lễ này không chỉ có người Khmer mới tổ chức, các làng quê Nam bộ trong dịp cúng Kỳ yên cũng vẫn thường tổ chức, gọi là “lễ tống ôn hoàng dịch vật” hay “lễ tống ôn”.
- LỄ XIN NƯỚC MƯA : mỗi năm sau khi đã cúng ông Tà rồi mà vẫn gặp hạn hán. Người Khmer mời mười vị sư sãi già đến cầu kinh dưới ánh nắng cho động lòng trời. Bên cạnh có một chiếc chậu khô, trong chậu để một con cá lóc. Việc này liên quan đến tích cá lóc là hậu thân của Phật Thích Ca. Trời đại hạn cá lóc đội bùn lên kêu cứu với Ngọc Hoàng, thấy cá lóc là hiện thân của Phật Thích Ca nên ông Trời làm mưa xuống để cứu nạn.