GOTOUR-Chùa Sắc tứ Phước Sơn tọa lạc tại thôn Tân Phước, xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, thường được người dân địa phương gọi là chùa Phước Sơn Đồng Tròn.
Khuôn viên cổ kính, nhưng không kém phần hấp dẫn của ngôi chùa Phước Sơn
Có hai hướng đến chùa. Một là theo con đường vào chùa Triều Tôn ở xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu (gần cầu Lò Vôi), đi tiếp khoảng 6km. Hai là từ thị trấn Chí Thạnh, rẽ vào chùa Bảo Sơn ở xã An Định, huyện Tuy An, đi tiếp đến chùa Phước Sơn.
Chùa Phước Sơn do Tổ húy Thượng Liễu Hạ Năng, hiệu Đức Chất sáng lập vào năm Gia Long nguyên niên (năm 1802). Chùa Triều Tôn và chùa Bảo Sơn do hai vị sư đệ của Tổ Liễu Năng là Liễu Diệu và Liễu Căn khai sơn vào năm Gia Long nhị niên (1803). Đây là ba ngôi tam bảo danh tiếng của chi phái Chúc Thánh, dòng Lâm Tế chánh tông tại Phú Yên. Chùa Phước Sơn được xây trên núi Phú Mỹ, quay mặt về hướng Nam, nhìn ra đồng ruộng mênh mông. Con sông La Hai chảy xuống cầu Ngân Sơn tạo một cảnh sắc đẹp đẽ bội phần cho ngôi già lam cổ sát Phước Sơn.
Vườn hoa muôn màu, muôn sắc được các sư thầu chăm sóc
Với lịch sử gần 200 năm, chùa đã trải qua 6 đời truyền thừa. Từ ngôi chùa lợp tranh vách đất ban đầu, các vị trụ trì kế tiếp liên tục trùng tu phát triển. Các Ngài đều là những danh tăng của Phật giáo: Ngài Liễu Năng, Ngài Quảng Thiện, Ngài Huệ Nhãn, Ngài Pháp Tạng, Ngài Thiền Phương và hiện nay là Hòa thượng Thích Phước Trí, trụ trì từ năm 1950.
Hòa thượng Thích Phước Trí đã xây dựng lại ngôi chùa bằng vật liệu kiên cố (đá chẻ và bê-tông) vào năm 1960, nhưng chùa bị cháy vào năm 1965. Sau năm 1975, Hòa thượng đã tổ chức tái thiết và khánh thành ngôi chùa mới vào ngày 26 tháng 9 năm 1993.
Điện Phạt được bài trí trang nghiệm, uy nghi tốn kính
Chánh điện rộng thoáng, điện Phật được bài trí trang nghiêm. Nổi bật ở trung tâm là tượng đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni ngồi thiền định trên tòa sen. Phía trước là bộ tượng Di-đà Tam Tôn (Di-đà, Quan Âm, Thế Chí) và hai vị Hộ Pháp. Án thờ tả hữu tôn trí các tượng Bồ-tát Quan Âm, Chuẩn Đề và Địa Tạng. Sau điện Phật là nhà tổ thờ tổ sư Đạt-ma và long vị chư tổ của chùa.
Một bên là tả tốn trí...
Một bên là hữu tôn trí... uy phong lẫm liệt canh giữ chùa Phước Sơn
Đứng trước cửa chùa lộng gió quanh năm, lòng du khách cảm thấy thư thái lạ lùng và bồi hồi nhớ đến ân đức của các vị tiền bối đã khai sơn và tô bồi cho ngôi chùa. Dọc theo triền núi, phía trái có hai ngôi tháp cổ, đó là bảo tháp của Tổ khai sơn Liễu Năng và Ngài Thiền Phương. Phía tay phải trên đường vào chùa, là bảo tháp của các Ngài Huệ Nhãn, Quảng Thiện và Pháp Tạng.
Ngoài 5 ngôi tháp cổ còn nguyên vẹn qua năm tháng là những bảo vật của chùa, ngôi tổ đình này còn có những bảo vật được triều đình nhà Nguyễn ban thưởng 6 lần. Lần thứ nhất: cây gấm có tên Vạn Thọ Như Ý vào niên hiệu Tự Đức năm thứ 34 (1881); lần thứ hai: 1 bộ y cà sa màu đỏ, 1 chiếc mão Quan Âm, 1 đồng kim tiền có khắc 2 chữ Tam Thọ vào niên hiệu Thành Thái thứ 8 (năm1896); lần thứ ba: một đại hồng chung, một cặp bảo cái, mộ y càsa và một chiếc mão Quan Âm vào niên hiệu Thành Thái thứ 9 (năm 1897); lần thứ tư: chiếc kim khánh có khắc chữ Khâm Tai, một đồng tiền có khắc chữ Triệu dân lại chi vào niên hiệu Thành Thái thứ 10 (năm 1898); lần thứ năm: một đồng ngân tiền vào niên hiệu Thành Thái thứ 13 (năm 1901) và lần thứ sáu: ban "Biểu ngạch Sắc Tứ" vào niên hiệu Bảo Đại thứ 14 (năm 1939).
Nhà thờ tổ sư Đạt Ma phái sau điện Phật
Đến Phú Yên, hành hương về chốn Tổ Liễu Quán, du khách và Phật tử xa gần đừng quên ghé chùa Sắc Tứ Phước Sơn, ngôi danh lam của miền Trung nước Việt.
Nguồn mytour.vn