GOTOUR-Du lịch biển Phú Yên gần đây thường được nhắc đến nhờ có những bãi tắm đẹp và còn hoang sơ. Nổi danh với gành Đá Dĩa, hải đăng Đại Lãnh, vịnh Xuân Đài, Vũng Rô, đầm Ô Loan... nhưng thật ra Phú Yên vẫn còn nhiều điểm tuyệt vời khác.
Đảo Lao Mái Nhà hay cù lao Mái Nhà thuộc thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An là một nơi đáng để bõ công khám phá.
Từ TP Tuy Hòa, chúng tôi thuê xe máy men theo đường ven biển về hướng bắc, dọc bãi cát dài biển Phú Trường, qua cầu gỗ An Hải, tiếp tục rong ruổi đến bến cá An Ninh Đông. Tại đây thuê thuyền từ cửa biển Tiên Châu ra khỏi vịnh Xuân Đài, ngược về phía nam 1 giờ 30 phút là đến Lao Mái Nhà.
< Nét đẹp hoang sơ của đảo Lao Mái Nhà.
Với hải trình này từ phía biển, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp miên man của hải đăng Gành Đèn và gành Đá Dĩa (thắng cảnh cấp quốc gia). Một cách khác đến đảo gần hơn là thuê thuyền từ bãi biển An Hải ngay cạnh đảo chỉ mất gần 20 phút, tuy nhiên phải hợp đồng trước vì nơi này không phải là bến thuyền.
Chỉ có thể tiếp cận đảo từ bãi cát phía tây, vì phần còn lại xung quanh toàn vách núi đá và đá ngầm. Đảo hoàn toàn vắng vẻ, cát trắng tinh, nước biển xanh trong veo. Theo hướng dẫn, nhắm hướng cây bàng cổ thụ mà đi sẽ gặp ngôi nhà duy nhất trên đảo.
< Chuẩn bị cập bờ...
Ông Biện Văn Sương (60 tuổi) và vợ là bà Võ Thị Ngà (52 tuổi) được gọi là “chúa đảo” vì có thâm niên sống ở đây trên 20 năm. Ông bà sống chủ yếu bằng nghề lưới cá, săn và nuôi tôm hùm. Ngoài nghề biển, ông bà còn trồng rừng dương, tràm, keo... và nuôi đàn bò hơn 30 con. Ông bà có tám người con nhưng không ai ở trên đảo.
Quanh đảo là núi đá cao, chắn gió từ biển Đông thổi vào nên mặt phía tây của đảo thích hợp làm nơi tránh bão của bạn thuyền các nơi. Đảo còn có hang đá và hai bãi cát trắng đẹp, hoang sơ với nhiều rặng san hô tuyệt đẹp. Chúng tôi được “chúa đảo” hướng dẫn lặn ngắm san hô tại bãi trước.
Không phải là nơi tổ chức lặn chuyên nghiệp như ở Nha Trang nên ở đây chỉ lặn với kính bơi, không có ống thở. Nếu bạn không biết bơi cũng không sao, có thể ngắm san hô bằng cách ôm một cái can nhựa 5 lít và úp mặt xuống (có đeo kính bơi) thỏa thích nhìn ngắm san hô cách chừng 1,5-2m. Tuy thô sơ nhưng đổi lại cảm giác thật tuyệt vời.
< Lặn biển ngắm san hô.
San hô ở đây tuy không đẹp bằng ở hòn Mun, Nha Trang nhưng đối với những người lần đầu được lặn ngắm, với tay chạm vào nhánh san hô dưới đáy biển thì cảm giác khó tả.
Điều thú vị là ông bà “chúa đảo” sẵn sàng tiếp đón du khách đi... bụi tới thăm đảo. Nếu điện thoại trước sẽ có phục vụ nấu ăn, giải khát. Còn nếu đến đột xuất phải tự mang theo lương thực, hoặc ăn cơm theo khẩu phần có gì ăn nấy của cư dân trên đảo. Nhưng quả thật, ăn cách nào đi nữa cũng thấy ngon miệng bởi cái tươi roi rói của cá, của rau và mùi cá nướng đã đủ thấy... tiết nước bọt sau những giờ lội bộ và ngụp lặn với biển.
< Cùng ngư dân câu cá, kéo lưới là một trải nghiệm khó quên.
Chắc chắn bạn sẽ nhớ mãi mùi vị nồi cháo cá gáy, đặc sản miền Trung, do chính tay bà “chúa đảo” nấu. Vị mặn mà của chén nước mắm do bà tự làm từ những con cá tươi đánh bắt quả là không giống nơi nào. Ở lại đêm cũng không có vấn đề gì nếu bạn chuẩn bị trước lều trại hoặc túi ngủ. Có như thế mới đủ sức chống lại bầy muỗi đói trên đảo.
Một lần đến với Phú Yên được trải nghiệm “một ngày hoang dã”, người bạn đi cùng chỉ còn biết thốt lên “quá đã”. Chia tay đảo chủ, chúng tôi hẹn sẽ quay lại để tiếp tục khám phá hang động, thám hiểm rặng san hô hiếm người đặt chân đến.
Theo kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh Phú Yên, gành Đá Dĩa và cù lao Mái Nhà sẽ là khu liên hoàn phát triển du lịch sinh thái biển kết hợp với các loại hình du lịch khác theo hướng mở rộng quy mô hiện đại.
< Tô cháo cá gáy đặc sản làm ấm lòng du khách sau một ngày lặn ngụp.
Từ TP.HCM đến TP Tuy Hòa khá thuận tiện bằng nhiều loại phương tiện. Nếu đi bằng xe lửa mất 9-10 tiếng, đi xe cũng có nhiều lựa chọn từ loại xe khách thường đến xe giường nằm, mất 11-12 tiếng. Ngoài ra, mỗi ngày có một chuyến máy bay từ Hà Nội và TP.HCM đến TP Tuy Hòa và ngược lại.
Du lịch, GO! - Theo TTCN